Điều gì khiến bạn thất nghiệp
Đổi tâm thế từ “xin việc” thành “tìm việc” là mấu chốt đầu tiên bà Nguyễn Liên Khả khơi mở cho người trẻ.
Nhiều người thất nghiệp và nghĩ do doanh nghiệp quá kén chọn, do nhà tuyển dụng quá khắt khe. Nhưng không phải, tại sao bạn phải đổ lỗi cho người khác khi chính bạn không tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình????
Sáng 23-3, chương trình Hành trang cuộc đời lần thứ 18 chủ đề “Thuyết phục thành công nhà tuyển dụng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận) và thu hút gần 300 bạn trẻ tham dự.
Các diễn giả khách mời gồm: bà Nguyễn Tâm Trang – phó chủ tịch, phụ trách nhân sự Unilever VN, bà Văn Thị Anh Thư – phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách nhân sự Công ty Suntory PepsiCo VN, bà Nguyễn Liên Khả – giám đốc nhân sự Công ty VNG.
Đừng xin việc, hãy tìm việc
Bạn là ứng viên có khả năng, bạn đang tìm kiếm công việc phù hợp với sở trường, sở thích chứ không xin xỏ nhà tuyển dụng trao cho công việc. Đổi tâm thế từ “xin việc” thành “tìm việc” là mấu chốt đầu tiên bà Nguyễn Liên Khả khơi mở cho người trẻ.
Một khi chuyển tư thế sang người tìm, ứng viên sẽ nhìn vào bên trong xem bản thân có gì, cần gì, khớp với yêu cầu ứng tuyển hay không thay vì chăm chăm uốn mình thành kẻ khác để đạt mục đích được tuyển dụng.
Tương tự với cách ứng xử khi được phỏng vấn, người tìm việc trẻ cần tìm hiểu kỹ văn hóa công ty để có biểu hiện phù hợp.Thể hiện vắn tắt, rõ ràng bạn là ai trong CV, ăn mặc, ứng xử phù hợp khi phỏng vấn… là mách nước cô đọng của các diễn giả. Với CV, bà Khả dặn dò các ứng viên nên làm nhiều bộ CV cho mỗi vị trí ứng tuyển thay vì “rải truyền đơn” cho nhiều công ty với nội dung, hình thức thể hiện rập khuôn.
“Nếu bạn đóng vest, thắt caravat khi ứng tuyển các vị trí marketing ở VNG, nhiều khả năng bạn sẽ bị đánh rớt vì yêu cầu công việc và văn hóa công ty yêu cầu sự năng động, trẻ trung, sáng tạo”, bà Khả đơn cử ví dụ.
Đồng tình với bà Khả, các diễn giả khác nhắn nhủ ứng viên cần nắm bắt đặc thù công việc ứng tuyển và giá trị văn hóa công ty đó đề cao.
Với ứng viên mới ra trường, bà Văn Thị Anh Thư khẳng định phía tuyển dụng không quá đặt nặng yêu cầu chuyên môn mà quan tâm hơn đến động cơ tìm việc, sự yêu thích công việc của bạn trẻ. Nếu bạn thật sự thích công việc, hãy thể hiện một cách thuyết phục thay vì chỉ đưa lý lẽ suông.
Bà nói rõ: “Có bạn ứng tuyển vào vị trí tiếp thị sản phẩm nói rằng mình rất thích xem quảng cáo. Thích từ nhỏ. Nhưng khi hỏi kỹ bạn thích nhất mẩu quảng cáo nào thì bạn thú nhận… 3 năm nay không xem quảng cáo nữa”.
Qua ví dụ nhỏ, bà Thư chỉ ra: “Chuẩn bị là đúng, nhưng hãy là chính mình. Đừng mượn lời trong sách, đừng mượn trải nghiệm của người khác. Bạn không thể sống với công việc đó trong tâm thế một người khác”.
Bà Nguyễn Tâm Trang đưa ra hai “nguyên tắc vàng” cho người trẻ ở giai đoạn thử việc: hỏi thật nhiều và luôn ghi nhớ “mình là người mới”. Thử việc là thời gian người trẻ quan sát cách thức vận hành của công ty, quy tắc làm việc, văn hóa ứng xử của đồng nghiệp. Việc chứng tỏ bản thân trong buổi ban đầu nên chú trọng vào thái độ khiêm tốn, sự chủ động học hỏi thay vì chứng tỏ mình giỏi hơn đồng nghiệp khác về nghiệp vụ, chuyên môn.
Trong trường hợp được phân công việc không đúng chuyên môn, như thử việc thiết kế toàn được giao… cắt chỉ, làm công việc văn phòng nhưng toàn bị sai rót nước bưng trà, photocopy tài liệu, các diễn giả khuyên người trẻ nên đối diện bằng thái độ lạc quan và tự hỏi sẽ học được gì qua những việc nhỏ, dụng ý của nhà tuyển dụng là gì… thay vì lên Facebook thể hiện sự bức xúc hoặc đùng đùng nghỉ việc.
Một diễn giả đúc kết: “Bạn hãy nhớ đó là giai đoạn “thử”. Mọi việc đều có lý do của nó. Chúng tôi không bao giờ tuyển nhân viên với vị trí tốt vào chỉ để làm những việc vặt”.
Người thú vị được yêu thích
Nhiều bạn trẻ có băn khoăn như bạn sinh viên tên Thông (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): nhà tuyển dụng có khuynh hướng chuộng người có kinh nghiệm, vậy cơ hội cho sinh viên mới ra trường là bao nhiêu? Giải tỏa lo lắng cho các bạn, bà Văn Thị Anh Thư cho biết bên cạnh nguồn nhân sự thâm niên cao, các công ty đều chú trọng gầy dựng lớp tài năng trẻ. Tiêu chí tuyển dụng cho nhóm nhân lực này là trải nghiệm, kỹ năng sống phong phú – những yếu tố sinh viên có thể trau dồi khi còn ngồi ghế giảng đường, thông qua các hoạt động Đoàn, Hội…
MC Tùng Leo – trong vai trò nhà tuyển dụng – giám đốc nội dung YAN TV – cũng chia sẻ câu chuyện về một ứng viên anh cực kỳ ấn tượng: CV của bạn ấy là một loạt hình ảnh từ chiếc balô lấy ra lần lượt tấm bằng cử nhân, bằng khen tham gia chiến dịch Mùa hè xanh và quyển Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bằng cách dẫn dắt sáng tạo, chiếc balô chứng minh chủ nhân là một cá tính thú vị.
Tùng Leo cho biết khi xem xong CV, thay vì từ tốn gửi mail như thông thường, anh lập tức gọi điện hẹn phỏng vấn ứng viên. “Người thú vị thường là người tài năng và luôn được yêu thích”, anh lý giải.
Sinh viên chưa nhiều kinh nghiệm công tác chuyên môn có thể gia tăng giá trị trong mắt nhà tuyển dụng bằng cách chứng tỏ trải nghiệm sống đa dạng, lối sống rộng mở, hết mình.
“Chưa kể – anh tiếp – các bạn có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay trong giai đoạn sinh viên bằng cách tham gia thực tập tại các công ty”.
Lời khuyên của nhà tuyển dụng
Bà Nguyễn Tâm Trang – phó chủ tịch, phụ trách nhân sự Unilever VN: “Có thể bạn sẽ vấp ngã trong một vài lần xin việc đầu tiên, nhưng hãy học từ đó. Quan trọng là giữ vững tinh thần, định hướng. Giữ thái độ lạc quan. Tự tin nhưng đừng quá. Trẻ – hãy chấp nhận thất bại và năng học hỏi”.
Bà Nguyễn Liên Khả – giám đốc nhân sự Công ty VNG: “Nên nói thật trong buổi phỏng vấn để phía tuyển dụng hiểu rõ mình. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, hãy tìm yếu tố phù hợp với vị trí ứng tuyển từ các hoạt động bạn từng tham gia trên ghế nhà trường”.
Bà Văn Thị Anh Thư – phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách nhân sự Công ty Suntory PepsiCo VN: “Giai đoạn quan trọng không phải buổi phỏng vấn mà là giai đoạn trước đó nữa. Hãy xác định công việc bạn thật sự đam mê, yêu thích. Điều bạn thật sự yêu, bạn sẽ làm điều đó tốt nhất”.
Leave a Reply